Ngày 7/5/2019, đại diện Thriive Hoa Kỳ đã thăm và làm việc với Lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN nhằm đẩy mạnh hơn nữa thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua dự án Thriive Hà Nội.
Tham dự buổi làm việc có bà Linn Kincanon – Nhà sáng lập, Chủ tịch Quỹ Thriive Hoa Kỳ; ông Kellen Raegen Williams – Cố vấn chương trình Thriive; về phía Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN có PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS Lê Trung Thành – Trưởng phòng NCKH&HTPT; TS. Phạm Vũ Thắng – Giám đốc Trung tâm Kinh tế Phát triển, đơn vị điều phối chương trình Thriive Hà Nội. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của một số chủ doanh nghiệp xã hội đang được Thriive hỗ trợ vốn.
Mở đầu, PGS.TS Nguyễn Anh Thu đã nhiệt liệt chào đón đại diện của Thriive Hoa Kỳ sang làm việc tại ĐHKT và tin tưởng rằng sau 14 năm hợp tác tốt đẹp, hai bên sẽ có những đột phát mới trong ý tưởng hợp tác tương lai. Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Anh Thu đã tóm tắt các hoạt động chính mà Dự án Thriive Hà Nội đang triển khai và đánh giá sức lan tỏa của Thriive “như ông Bụt với các doanh nghiệp xã hội đang khó khăn”.
Vui mừng vì các kết quả tốt đẹp mà Thriive Hà Nội đã làm được trong thời gian qua, bà Linn Kincanon cho biết, sứ mệnh của Thriive Hoa Kỳ là xóa bỏ đói nghèo trên toàn thế giới thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội, Việt Nam là nước mà Thriive ưu tiên dành nhiều nguồn lực nhất và có hiệu ứng lan tỏa rất lớn. Trường ĐHKT cũng là đại học học duy nhất cùng Dự án Thriive Hoa Kỳ triển khai dự án, chúng tôi nhận rõ được sự khác biệt của trường so với các tổ chức khác, đặc biệt là nguồn tri thức phong phú từ đội ngũ giảng viên cũng như sự lan tỏa mạnh mẽ thông qua sinh viên.
Qua 14 năm hoạt động ở Việt Nam, Thriive Hoa Kỳ thấy được sự phát triển về kinh tế – xã hội, những doanh nghiệp Thriive ở Hà Nội có năng lực sản xuất, kinh doanh và quản lý ở quy mô lớn hơn rất nhiều so với các nước khác. Do đó cần có một hình thức đầu tư mới phù hợp với quy mô của doanh nghiệp.
Chúng tôi đã chọn trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN là đơn vị đầu tiên trên thế giới triển khai thí điểm Quỹ Đầu tư Tác động Xã hội Thriive (TiiF – Thriive Impact Investment Fund). Với quỹ này, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận đến nguồn vốn với lãi suất ưu đãi với mức là 50.000 đôla Mỹ. Hai bên sẽ cùng nhau phát triển các tiêu chí lựa chọn, quản lý rủi ro và quản lý tác động xã hội của doanh nghiệp.
Trong tương lai, chúng tôi mong muốn ĐHKT tư vấn, hoạch định và điều phối chương trình mạnh mẽ hơn nữa để nguồn vốn của Thriive tiếp cận được các doanh nghiệp xã hội có quy mô lớn hơn, sức lan tỏa mạnh hơn, chú trọng nhiều tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cùng đạt được nhận thức chúng, đại diện hai bên khẳng định, trong thời gian tới sẽ tăng cường thông tin liên lạc, đề xuất thêm nhiều giải pháp hữu ích để phát triển chương trình Thriive Hà Nội, ngoài ra, phía Thriive Hoa Kỳ cam kết sẽ đồng hành cùng nhà trường trong một số hoạt động khác như cuộc thi Business Challenges, hỗ trợ sinh viên nhận học bổng từ Hoa Kỳ…
Sau phiên tiếp đón đại diện Thriive Hoa Kỳ, lãnh đạo ĐHKT đã ký kết bản ghi nhớ với 2 chủ doanh nghiệp xã hội là Công ty cổ phần In Ngân Hà Xanh và Công ty Thương mại sản xuất thủ công handmade Thương Thương với nội dung ĐHKT sẽ bao tiêu một phần sản phẩm của doanh nghiệp, giới thiệu hình ảnh doanh nghiệp rộng rãi và tư vấn chiến lược giúp các doanh nghiệp xã hội phát triển mạnh mẽ và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
“Thriive Hà Nội là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN và Tổ chức Thriive (Hoa Kỳ) từ năm 2005 nhằm giúp doanh nghiệp phát triển, tạo thêm việc làm mới và tạo những tác động xã hội tích cực.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình Thriive không giới hạn ngành nghề, lĩnh vực và có chung mục tiêu phát triển và giúp đỡ cộng đồng. Đến năm 2016, Thriive Hà Nội đã giúp đỡ 141 doanh nghiệp vay vốn của chương trình. Dự án đã giúp tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 1.634 lao động mới và hơn 120.000 người dân nghèo tại 21 tỉnh phía Bắc đã nhận được sản phẩm, dịch vụ từ thiện của chương trình. Đối tượng được hưởng lợi từ hoạt động trả nợ là những cộng đồng yếu thế như: người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người già, trẻ mồ côi…”
Văn Công