Quý I/2020: Thêm 4 doanh nghiệp Thriive có yếu tố người khuyết tật đã nhận được máy móc từ Chương trình

Những tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chương trình Thriive Hà Nội- chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Phát triển (thuộc Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN) và tổ chức Thriive Hoa Kỳ đã tiến hành giải ngân và cung cấp đủ máy móc cho 4 doanh nghiệp Thriive.

Doanh nghiệp của chị Thy hy vọng sẽ vượt qua được thời kỳ khó khăn do dịch Covid-19

Bắt đầu từ năm 2019, dự án Thriive Hà Nội bắt đầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp có chủ và phần lớn lao động là người khuyết tật. Điều này xuất phát từ những ấn tượng sâu sắc mà các doanh nghiệp đặc biệt này đem tới cho Ban điều phối chương trình. Trong hơn 20 hồ sơ gửi về dự án trong năm 2019, dự án Thriive cố gắng lựa chọn và tìm ra các doanh nghiệp có đầy đủ tiêu chí Chương trình đặt ra, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và từ đó tạo thêm công ăn việc làm mới cho những người yếu thế từ hoạt động trả nợ cho Chương trình; đồng thời Dự án cũng đồng hành cùng doanh nghiệp, tư vấn quản trị, kết nối đầu ra cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài.

Doanh nghiệp đầu tiên nhận được máy móc từ Thriive năm 2020 là doanh nghiệp về quảng cáo, phát triển phần mềm Oneday Software: chủ là Nguyễn Văn Giáp, khuyết tật vận động và Nguyễn Văn Cảnh (2 anh em ruột). Thriive đã tài trợ 3 laptop Dell, 1 Macbook và 1 server. Anh Nguyễn Văn Giáp – Giám đốc doanh nghiệp One day Software chia sẻ với Ban điều phối Chương trình Thriive: “Sau một tuần bắt đầu sử dụng máy móc mới được hỗ trợ từ Dự án Thriive, chúng tôi có những cảm nhận chung như sau: thời gian xử lý công việc được rút ngắn đáng kể, các thiết bị đáp ứng các nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp. Đặc biệt, với tâm lý ít phải chờ đợi do máy móc chậm chạp như trước, anh chị em nhân viên cũng lao động trong tâm thế vui vẻ và thoải mái hơn, đó là điều tôi cảm nhận được rõ ràng nhất”.

Hai anh em anh Giáp và anh Cảnh vui mừng khi nhận được máy móc ngay những ngày đầu năm 2020

Doanh nghiệp thứ hai đó là doanh nghiệp về Marketing online T&T: chủ là chị Hoàng Thị Thy (khuyết tật vận động) các nhân viên làm việc cũng là người khuyết tật. Thriive tài trợ 3 macbook, 2 HP laptop, điều hòa. Chị Thy cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà doanh nghiệp chị làm việc online, nếu như không có các máy tính, laptop Thriive hỗ trợ thì việc này rất khó, giúp doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động trong thời kỳ khó khăn chung.

Chị Hoàng Thị Thy nở nụ cười hạnh phúc và nói lời cảm ơn Thriive Hà Nội

Doanh nghiệp thứ ba là doanh nghiệp làm về giáo dục đăc biệt, hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, sản xuất học liệu giáo dục, chủ là chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, nhận các loại máy từ Dự án Thriive như: máy tính, máy in, máy ép Decal, bàn cắt giấy, bảng, ghế, để sản xuất học liệu và nâng cao cơ sở vật chất của lớp học. Đây là doanh nghiệp có hình thức trả nợ là đào tạo và hướng nghiệp cho các em mắc chứng tự tỷ. Trong thời gian hoạt động, chị Ngọc Anh cũng đã có một số kết nối với các gia đình có con em là trẻ tự kỷ, từ đó có danh sách các học viên hưởng lợi miễn phí của các khóa đào tạo- hoạt động trả nợ cho Chương trình Thriive

Chị Ngọc Anh cho biết, thiết bị dạy học trẻ tự kỷ mang tính đặc thù cao vì vậy mà trả nở bằng hình thức đào tạo là phù hợp. Hơn nữa, doanh nghiệp luôn hướng tới giá trị cộng đồng nên dạy trẻ tự kỷ sẽ giúp tự tin hơn để hòa nhập với cộng đồng, có thể xa hơn nữa là hướng tới một công việc phù hợp với các em (thường là những công việc tỷ mẩn, đòi hỏi sự tập trung và không quá phức tạp, trong quá trình giảng dạy sẽ tìm ra được điểm mạnh của mỗi trẻ, từ đó tiến hành hướng nghiệp cho các em).

Chị Ngọc Anh (ở giữa) vui mừng khi nhận máy móc từ Thriive và khoe các dụng cụ dạy học trẻ tự kỷ

Doanh nghiệp cuối cùng nhận hỗ trợ máy móc từ dự án Thriive trong quý 1/2020 là doanh nghiệp Xe điện NKT, bản thân là người khuyết tật, lại điều hành một doanh nghiệp ở tỉnh Hòa Bình, nhưng anh Tích có tinh thần học hỏi cao và tích cực tham gia các sự kiện ở Hà Nội, bao gồm giải thưởng Én Xanh 2019, cuộc thi SDG Challenge 2019 và nằm trong Top 3. SDG Challenge 2019 cũng chính là cơ duyên để anh Tích được một số cố vấn chương trình giới thiệu đến Chương trình Thriive Hà Nội 2019.

Với sự hỗ trợ của ban điều phối chương trình Thriive, doanh nghiệp đã vượt qua những khó khăn trong quá trình nộp hồ sơ dự án, như khoảng cách địa lý, khó khăn trong di chuyển, sự thiếu kinh nghiệm trong chuẩn bị hồ sơ cũng như khả năng đàm phán với các nhà cung cấp; để hoàn thành thủ tục giải ngân và đưa được máy móc mới vào đầu tháng 2 năm 2020.

Một người bình thường khởi nghiệp và điều hành một doanh nghiệp đã là một điều khó khăn, anh Tích còn thể hiện một ý chí phi thường: “Mình mong muốn được công bằng với những người bình thường khác trong làm kinh doanh. Mình không muốn ỷ lại và coi bản thân là người khuyết tật mà đòi hỏi sự hỗ trợ và giúp đỡ từ những người xung quanh. Nếu không quyết tâm và sớm từ bỏ từ những khó khăn ban đầu như nguồn vốn, nhân lực thì đã không có doanh nghiệp Xe điện NKT ngày hôm nay”.

Doanh nghiệp NKT và Ban điều phối dự án Thriive

Như vậy, cho dù gặp nhiều khó khăn trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng dự án Thriive vẫn hoàn thành được kế hoạch của quý 1 đề ra là giải ngân và đưa máy móc về cơ sở sản xuất cho 4 doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp đã nhận máy móc từ trước vẫn luôn được Thriive cập nhật tình hình kinh doanh và hỗ trợ khi cần thiết.

TS. Phạm Vũ Thắng – Giám đốc Chương trình Thriive Hà Nội hỏi thăm tình hình sản xuất của chủ Doanh nghiệp Thương Thương trước khi sang Nhật công tác đầu năm 2020

Các doanh nghiệp xã hội nhờ những thiết bị máy móc hiện đại, phần nào đã duy trì được hoạt động để vượt qua thời kỳ dịch bệnh khó khăn. Hy vọng rằng, khi dịch bệnh qua đi, họ sẽ vươn lên mạnh mẽ bằng nghị lực của mình, điều mà họ đã thể hiện ngay từ khi biết mình thiệt thòi hơn người xung quanh về thể xác.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN là đơn vị điều phối Chương trình Thriive Hà Nội do Hoa Kỳ tài trợ. Dự án này cho phép các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam vay vốn không lãi suất để đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến phục vụ mục đích phát triển sản xuất kinh doanh đồng thời tuyển thêm nhân công. Trong vòng 2 năm, các doanh nghiệp phải tiến hành trả nợ dưới hình thức cung cấp miễn phí các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình cho người nghèo.

Hoạt động từ năm 2005, chương trình Thriive Hà Nội đã giúp cho 161 doanh nghiệp vay vốn của chương trình với tổng số vốn vay là 1.597.145USD (hơn 38 tỷ VNĐ).
Chương trình Thriive Hà Nội giúp tạo thêm công ăn việc làm cho 1.717 lao động mới (1.115 lao động toàn thơi gian và 602 lao động bán thời gian). 127.708 người dân nghèo được hưởng lợi từ hoạt động trả nợ vốn vay của các doanh nghiệp theo Chương trình Thriive tại 26 tỉnh thành với 02 hình thức: 1) Trao tặng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp (như cây giống, quần áo ấm, bàn ghế…) ; 2) Các khóa đào tạo nghề (như khóa học may, đồ họa, cuốn giấy thủ công, nấu ăn…). Hơn 65.1% số doanh nghiệp được vay vốn tiếp tục các hoạt động từ thiện, giúp đỡ cộng đồng sau khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vốn vay.”

 

Văn Công