Tấm lòng cao cả của Doanh nghiệp Thriive, một cậu bé được mổ tim miễn phí

Sứ mệnh của chương trình Thriive Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN là thay đổi nhận thức của chủ doanh nghiệp về phát triển cộng đồng, dạy nghề cho người yếu thế để có được kỹ năng làm việc, tự nuôi sống bản thân, gia đình, có cuộc sống độc lập. Nhu cầu học nghề và có công việc ổn định tưởng chừng đơn giản đó nhưng là thực sự khó khăn đối với những người khuyết tật. Doanh nghiệp Thương Thương (doanh nghiệp Thriive 2018) đã tổ chức 1 lớp học dạy làm thiệp cuốn giấy cho 10 em ở Trung tâm phục hồi chức năng Việt-Hàn.

Chị Thủy, chủ doanh nghiệp Khương Sơn (Doanh nghiệp Thriive 2018) và mẹ con chị Hạnh trước ngày phẫu thuật

Em Quỳnh, 22 tuổi nhà ở Phúc Thọ, Hà Nội. Bản thân em bị di chứng chất độc màu da cam từ trong bụng mẹ, thân hình nhỏ bé chỉ cao tầm 80cm. Gia đình em hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ li thân. Mẹ em ở nhà bán dừa nuôi em và em trai đi học. Tham gia khóa học của Thương Thương Handicraft, Quỳnh chia sẻ: “Trong hơn 10 năm ở nội trú tại đây, cuộc sống của em có phần bị bó hẹp. Nhờ khóa học của chị Thương, em vừa được làm công việc em yêu thích và phù hợp, vừa được tiếp xúc với nhiều anh chị, và dễ dàng hơn trong việc hòa nhập với cộng đồng. Sau khi học xong, nếu được gia đình và nhà trường tạo điều kiện, em rất muốn được làm việc tại xưởng chị Thương”.

Doanh nghiệp Thương Thương đã tạo ra những cơ hội to lớn, thay đổi cuộc đời của những người yếu thế, những bạn trẻ kém may mắn, giúp họ hòa nhập vào cuộc sống xã hội bình thường.

Chị Thương và em Quỳnh trong buổi học cuốn giấy đầu tiên

Vượt qua khuôn khổ dự án Thriive, các chủ doanh nghiệp Thriive cũng nỗ lực tìm kiếm nguồn lực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Trường hợp của chị Cấn Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1973) ở xóm 3, Việt Yên, Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội – chị là đối tượng được hưởng lợi trong hoạt động trả nợ của Doanh nghiệp Gà Quốc Oai trong chương trình Thriive.

Trong quá trình tìm hiểu, chị Hường – chủ doanh nghiệp biết thêm được gia cảnh đặc biệt khó khăn nhà chị Hạnh, hộ nghèo, chồng chị là anh Sỹ Danh Bõ phát bệnh tâm thần đã được 9 năm nay, không còn tỉnh táo và không thể làm nổi bất kỳ một công việc gì. Cậu con trai 5 tuổi Sỹ Danh Văn bị căn bệnh tim bẩm sinh hiểm nghèo, chị gái em cũng bị bệnh gan, vừa được mổ và bình phục sau gần 7 năm điều trị. Chị Hường đã chia sẻ câu chuyện này với chị Thủy, chủ doanh nghiệp đông y Khương Sơn, cũng là doanh nghiệp Thriive 2018.

Bằng cả tấm lòng cao cả và nỗ lực của mình, chị Thủy đã kết nối thành công để cậu bé Văn được mổ tim miễn phí tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đồng thời kêu gọi các mối quan hệ cá nhân, bạn bè, trong đó có chị Trang, chủ doanh nghiệp Dao’s Care (cũng là doanh nghiệp Thriive 2018) và những lao động trong doanh nghiệp mình chung tay đóng góp tiền để giúp cho cháu có được kinh phí để mổ và hồi phục.

Anh Bõ và chị Hường (chủ Doanh nghiệp Gà Quốc Oai) trong buổi trao tặng gà giống – một hoạt động trả nợ vốn vay của dự án Thriive
Mẹ con chị Hạnh sau khi cháu Văn bình phục

Qua câu chuyện trên của dự án Thriive Hà Nội, có thể thấy rằng sự đùm bọc, tương thân tương ái giữa các doanh nghiệp xã hội là hết sức tự nhiên, đong đầy. Sự giúp đỡ đó đã vượt ra khỏi khuôn khổ của dự án, đó là sự cảm thông, tình thân ái và có lẽ là mục đích của cuộc sống giữa những con người đồng cảm, sống là cho đi chẳng mong nhận lại.

Câu chuyện của em Văn khép lại với một kết thúc có hậu, em đã có trái tim khỏe mạnh để vui đùa cùng bạn bè, câu chuyện cũng mở ra ý tưởng cho dự án kết nối doanh nghiệp xã hội thành một nhóm, một chuỗi trong nhiều lĩnh vực để tạo nên sức mạnh tổng thể, lan tỏa giúp đỡ được nhiều hơn nữa những búp non, măng già thêm tươi vui cuộc sống.

 

Thảo – Công