Ngày 28/2/2017, Ban điều phối chương trình Thriive tại Hà Nội – Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã tham dự lễ bế giảng khóa học bán hàng dành cho các em thanh niên dân tộc có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ các hình thức hoàn trả nguồn vốn vay từ chương trình Thriive của Công ty TNHH Truyền thông Tiến Bộ – ADN.
Công ty TNHH Truyền thông Tiến Bộ – ADN là doanh nghiệp nhận được hỗ trợ nguồn vốn vay từ Thriive trong năm 2015 để mua trang thiết bị trong lĩnh vực thiết kế đồ họa. ADN tiến hành trả nợ bằng các hoạt động đào tạo nghề dành cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và chưa có nghề nghiệp. Hình thức trả nợ này mang tinh thần “Pay it forward” của chương trình Thriive – doanh nghiệp đi vay vốn thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách mang đến những cơ hội cải thiện cuộc sống cho những người yếu thế trong xã hội. Trong khuôn khổ các hoạt động trả nợ vốn vay, ADN đã hoàn thành các khóa đào tạo nghề thiết kế đồ họa, marketing và truyền thông cho 9 học viên. Tính đến tháng 2/2017, 8 học viên sau tốt nghiệp hiện đã có việc làm.
Khóa học bán hàng là một trong các khóa đào tạo của ADN. Khóa học hướng đến đào tạo kỹ năng bán hàng dành cho 10 em học viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình đông anh em và là người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Lai Châu, Sơn La. Khóa học bán hàng mang đến cơ hội nâng cao kỹ năng giao tiếp và cơ hội thực hành nghề nghiệp cho các em.
Không chỉ vậy, giảng viên của lớp học – chị Diễm Anh – Phó giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH Truyền thông Tiến Bộ còn là người truyền cảm hứng, khơi gợi ở các em năng lực và mong muốn phát triển kinh tế địa phương. Chị chia sẻ: “Sau khóa học 3 tháng này, tôi cảm thấy mình mang đến cho các em nhiều nhất không phải là kiến thức. Kỹ năng bán hàng cần nhiều thời gian và trải nghiệm thực tế hơn nữa để có thể thành thạo. Tuy nhiên, tôi tự hào khi nhìn thấy các học sinh của mình đã có thể tự tin hơn, dám mơ ước lớn hơn. Tri thức chỉ là vùng đệm, sức mạnh nội tại mới là điều cần thiết. Khóa học đã kết thúc, nhưng tôi vẫn mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các em, hỗ trợ những dự định lập nghiệp ở quê nhà sau này của các em.”
Tại lễ bế giảng, 10 em học viên được chia thành 3 nhóm thuyết trình vế kế hoạch kinh doanh một mặt hàng các em yêu thích. Phần trình bày tại lễ bế giảng là kết quả sau 2 tuần làm việc nhóm của các em. Vượt qua sự rụt rè, các em đã có thể đứng trước nhiều người trình bày về ý tưởng của chính nhóm mình.
Đối với các em học viên, đây thực sự là một trải nghiệm mới lại và ý nghĩa. Khóa học đã mang đến sự thay đổi tích cực trong các em. “Em nhớ buổi học đầu tiên, em rụt rè lắm, không dám nói chuyện với ai. Khi cô Diễm Anh bảo giới thiệu bản thân mà em chẳng biết nói gì. Nhưng giờ em thấy tự tin hơn rất nhiều rồi. Sau khi học xong, em sẽ về Lào Cai và mở cửa hàng ăn uống. Em cũng sẽ tuyển chọn các bạn nhân viên nghèo như em vào nhà hàng của mình” – Em Thào Tu, học viên của khóa học chia sẻ với cán bộ chương trình Thriive. Tinh thần “Pay it forward” của Thriive không chỉ được lan tỏa đến các doanh nghiệp, mà còn đến các học viên của những khóa học như thế này.
Tại lễ bế giảng, các em học viên bày tỏ sự quyến luyến với giảng viên và các anh chị hỗ trợ trong suốt khóa học. Các em cũng được trao giấy chứng nhận và những quyển sách giàu cảm hứng. Doanh nghiệp ADN cũng cam kết sẽ hỗ trợ việc làm cho các em sau khóa học. Ban điều phối chương trình Thriive tin rằng, các em sẽ tích cực học tập và phát triển bản thân hơn nữa để thực hiện những dự định của mình trong tương lai.
Thriie Hà Nội là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS), Trường ĐHKT – ĐHQGHN và Tổ chức Thriive, Hoa Kỳ từ năm 2005 nhằm giúp doanh nghiệp phát triển, tạo thêm việc làm mới và tạo những tác động xã hội tích cực.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình Thriive không giới hạn ngành nghề, lĩnh vực và có chung mục tiêu phát triển, giúp đỡ cộng đồng. Đến năm 2016, Thriive Hà Nội đã giúp đỡ 116 doanh nghiệp vay vốn của chương trình. Dự án đã giúp tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 1.446 lao động mới và hơn 120.000 người dân nghèo tại 21 tỉnh phía Bắc đã nhận được sản phẩm, dịch vụ từ thiện của chương trình. Đối tượng được hưởng lợi từ hoạt động trả nợ là những cộng đồng yếu thế như: người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người già, trẻ mồ côi,…
Thu Hường (CEDS)