Trong 2 ngày 13 và 14 tháng 6 năm 2011, CEDS đã đón và làm việc với bà Tory Dietel Hopps, đại điện cao cấp của Dietel Partners, một công ty của Mỹ chuyên tư vấn và tài trợ các chương trình từ thiện. Chuyến thăm này do Ban điều hành chương trình Thriive chuyển tiếp, nhằm giới thiệu và trao đổi về chương trình Thriive tại miền Bắc Việt Nam do CEDS điều phối.
Khởi đầu chuyến thăm là cuộc gặp gỡ của bà Tory với các chủ trang trại gà tại Chương Mỹ (Hà Nội) và Lương Sơn (Hòa Bình). Vốn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, Tory tìm hiểu nhiều về các vấn đề liên quan đến quá trình chăn nuôi và chăm sóc gà, đối phó với dịch bệnh và việc xử lý phế thải trong trang trại. Điều bà tâm đắc nhất ở 2 trang trại là việc giữ gìn vệ sinh trong và ngoài lồng ấp được thực hiện rất nghiêm ngặt. Chủ trang trại Phương Hiền, anh Nguyễn Tích Phương, nguyên là một nhân viên cao cấp làm việc cho tập đoàn BP của Thái Lan, chuyên chế biến và cung cấp gà thịt cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận. Có sẵn chuyên môn, sau khi nắm bắt được thị trường và kỹ thuật, anh Phương đã tự thành lập công ty của riêng mình. Anh Nguyễn Văn Tại, chủ trang trại Thanh Dương lại khởi nghiệp từ hợp tác xã sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ. Sau khi tìm tòi nhiều hướng kinh doanh, anh đã thành công với mô hình nuôi gà thịt và gà đẻ hậu bị.
Tham gia chuyến làm việc buổi chiều này còn có chị Lương Thị Thiên Nhiên, quản lý chương trình Thriive tại Huế và các tỉnh miền Trung. Chị đã trao đổi với CEDS về các vấn đề xung quanh việc điều phối chương trình, quản lý tài chính và các thủ tục liên quan đến thuế quan đối với các doanh nghiệp.
3 Doanh nghiệp được bà Tory đi thăm trong ngày tiếp theo của chuyến làm việc là Công ty Tấn Quang (sản xuất màn tuyn), Nam Thăng Long (sản xuất cặp phao cứu sinh) và Huy Quang (sản xuất bàn kính và cửa lõi thép). Cho đến nay, Công ty CPTM Tấn Quang là đơn vị có chương trình trả nợ ở xa nhất (Hương Khê và Nghi Xuân – Hà Tĩnh). Trong tổng số 2.855 người được nhận màn tuyn miễn phí từ doanh nghiệp này có 1.142 người dân thuộc vùng bị ảnh hưởng của trận lũ lịch sử năm 2010 ở Hà Tĩnh. Giám đốc Công ty, anh Nguyễn Văn Quang và vợ mình còn rất trẻ nhưng đã thành lập được công ty với quy mô hơn 100 lao động thường xuyên và 5 vệ tinh trong vùng.
Trong cuộc gặp, chị Đinh Thị Song Nga, giám đốc Công ty TNHH Nam Thăng Long đã nhấn mạnh những lợi ích do vốn vay mang lại. Không chỉ uy tín và hình ảnh của công ty được nâng cao, việc tham gia diễn đàn các Doanh nghiệp vay vốn Thriive và khóa học phát triển doanh nghiệp đã giúp nữ doanh nhân này thấm thía và định hình rõ hơn những hoạt động từ thiện, những trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng. Xuất thân là một giáo viên tiểu học, chị Nga đã từ bỏ việc giảng dạy trong nhà trường để theo đuổi công việc sản xuất cặp phao cứu sinh, phân phối cho các tập đoàn tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, hội chữ thập đỏ… để các đơn vị này tặng lại cho những trẻ em đi học qua sông suối, giảm thiểu những tai nạn thương tâm do đuối nước cho học sinh. Niềm đam mê khác của chị Nga là nghiên cứu chữa bệnh bằng thuốc Đông y. Với chứng chỉ hành nghề Nha khoa đông y, chị Nga đã khám và điều trị bệnh cho gia đình các công nhân của mình cũng như những hộ dân khác tại địa phương. Chị cũng đang lên kế hoạch cho một chương trình tặng sách báo cho trẻ em với mục đích định hướng thái độ sống tích cực cho các em ngay từ khi còn nhỏ. Chị Nga cho biết, những hoạt động từ thiện càng được chị quan tâm kể từ khi Công ty được hỗ trợ vay vốn Thriive không lãi suất để đầu tư máy móc.
Công ty TNHH Huy Quang là doanh nghiệp cuối cùng trong chuyến thăm của Tory. Hiện tại, công ty này đang thuê mặt bằng tại quận Hoàng Mai, Hà Nội. Mong muốn của chị Võ Thị Lan Hương – giám đốc doanh nghiệp – là có thể mở rộng được cơ sản sản xuất và văn phòng giao dịch. Trước khi vay vốn, công ty Huy Quang chỉ chú trọng vào ngành sản xuất bàn kính chịu lực. Chương trình Thriive đã giúp họ phát triển hướng kinh doanh mới: cửa lõi thép. Hiện tại, với dây chuyền sản xuất được mua bằng vốn vay Thriive, Công ty của chị đã bước đầu khẳng định được thương hiệu, mẫu mã và chất lượng sản phẩm trên thị trường mục tiêu.
Trong chuyến đi, Tory cũng tham khảo ý kiến của các giám đốc công ty sau khi tham gia khóa đào tạo phát triển doanh nghiệp do CEDS tổ chức trong khuôn khổ hoạt động tư vấn của chương trình Thriive. Tất cả các chủ doanh nghiệp đều cho thấy ích lợi của khóa học đối với việc bổ sung kiến thức kinh doanh, giao lưu học hỏi kinh nghiệm và phát triển quan hệ đối tác với các doanh nghiệp khác, đồng thời gửi lời cảm ơn đến Ban điều hành chương trình và CEDS.
Với 5 doanh nghiệp Thriive được đến thăm, trong thời gian chưa đầy 2 ngày, bà Tory đã có chuyến làm việc hữu ích cùng CEDS. Tin tưởng rằng, sẽ còn nhiều nhà tài trợ khác được giới thiệu đến Việt Nam, làm việc cùng CEDS, cùng các doanh nghiệp và cả những đối tượng khó khăn đang cần được giúp đỡ trong cộng đồng./.