Vừa qua, một doanh nghiệp tham gia chương trình Thriive đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khen thưởng vì có thành tích hoạt động từ thiện.
Dự án Thriive tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam mở rộng sản xuất, giúp đỡ các đối tượng thiệt thòi trong xã hội và góp phần bồi dưỡng ý thức nhân đạo trong cộng đồng. Ông Trương Văn Đơn, một doanh nhân đã tham gia tích cực dự án trong giai đoạn 2010 – 2012 vừa được bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc làm từ thiện. Dưới đây chúng tôi xin trích nguyên văn bài phỏng vấn được đăng trên báo điện tử hiephoa.net:
Chúc mừng ông vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khen thưởng thành tích bệnh binh làm từ thiện, chăm lo các gia đình đối tượng chính sách nhân kỷ niệm 65 năm Ngày TBLS.
Nếu ai đã từng là người lính, cùng đồng đội chung một chiến hào sẵn sàng chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc và cũng như tôi may mắn hơn nhiều đồng đội là còn được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình, sống trong hoà bình, được lao động và cống hiến, hưởng những thành quả đổi mới của đất nước thì thấy mình thật hạnh phúc. Hơn nữa, thấm thía sự hy sinh, mất mát lớn lao của đồng chí, đồng đội nên tôi nghĩ mình phải tri ân với họ và người thân của họ. Đó cũng là lương tâm, là đạo lý của người Việt chúng ta.
Ông có thể “trích ngang” quãng thời gian phục vụ quân ngũ?
Năm 1971, cũng như bao thanh niên thời đó nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường chống Mỹ. Là lính trắc thủ điều khiển tên lửa thuộc Sư đoàn 363, Bộ Tư lệnh Phòng không – Không quân, tôi cùng đồng đội tham gia giữ gìn không phận, chống trả máy bay của đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Đất nước thống nhất, tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê nhà. Đến năm 1979, tôi tái ngũ tham gia chiến đấu tại biên giới phía Bắc. Trong thời gian phục vụ quân ngũ, bị gãy 1/3 chân phải, rồi những khó khăn gian khổ nơi chiến trường khiến tôi mất sức. 9 năm sau khi tái ngũ, tôi phục viên trở về quê hương, hưởng chế độ bệnh binh 61%. Ở cái tuổi thanh xuân mà nhận “bản án” bệnh binh như vậy nhiều lúc cảm thấy tương lai thật mờ mịt. Nhưng rồi tự nghĩ mình còn quá may mắn so với nhiều đồng đội nên quyết tâm vươn lên, giữ vững bản lĩnh của người lính là dám xông pha, không ngại khổ dù ở bất cứ “mặt trận” nào.
Chế độ đối với thương, bệnh binh đã được Nhà nước quan tâm nhưng cuộc sống của nhiều thương binh còn rất khó khăn. Với mức thương tật của ông bước đầu tạo lập cuộc sống gia đình hẳn không dễ dàng?
Sức khỏe là vốn quý. Với những thương bệnh binh nặng, tỷ lệ mất sức lao động lớn thì việc tự chăm sóc sức khỏe bản thân đã là một cố gắng lớn chứ chưa dám nghĩ tới việc lao động, cống hiến cho gia đình và xã hội. Tôi may mắn là bệnh binh nhưng vẫn còn sức để làm việc. Ngày mới xuất ngũ, là thương binh với cuộc sống đời thường, lo “chuyện cơm áo gạo tiền” cũng khá chật vật. Cũng may tôi có “bà xã” luôn cảm thông, chia sẻ, động viên, rồi cùng với sự cố gắng của cả gia đình nên cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Hơn bốn năm kể từ khi thành lập, đến nay HTX do ông làm chủ nhiệm đã tặng 450 bộ chăn, đệm, gối cho thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em khuyết tật, người nghèo… trị giá khoảng 225 triệu đồng. Số tiền này không nhỏ đối với một cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ?
Trước đây khi chưa có điều kiện, cảm thông với nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng cũng khó có thể giúp đỡ họ về vật chất. Sau này khi kinh doanh hiệu quả, có thu nhập thì việc làm từ thiện thuận lợi hơn. Tôi may mắn có nghề làm chăn bông ông bà truyền lại. Kinh tế thị trường mở ra, khi ấy hàng chăn ga gối đệm siêu nhẹ của Trung Quốc, Hàn Quốc tràn vào Bắc Giang. Nhiều sản phẩm lỗi hoặc hỏng cần sửa chữa được nhiều người mang đến nhờ làm. Tôi nghĩ tại sao mình không cải tiến sản phẩm truyền thống, rồi làm cơ sở sản xuất, sửa chữa chăn siêu nhẹ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Thế là tôi huy động góp vốn, nhân lực thành lập HTX sản xuất chăn ga gối đệm Thu Đông Hiệp Hòa. Do nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, sản phẩm thường xuyên được cải tiến nên tiêu thụ tốt. Mỗi năm, HTX có doanh thu khoảng 1 tỷ đồng, lợi nhuận 300 triệu đồng, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Số tiền làm việc thiện cũng do kết quả kinh doanh mà có, hơn nữa còn được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân khác.
Người có sức khỏe điều hành một cơ sở sản xuất kinh doanh đã khó thì với bệnh binh như ông chắc khó vạn lần?
Ngành nghề sản xuất này chỉ có thời vụ, hơn nữa HTX được các thành viên gia đình, các cấp chính quyền địa phương ủng hộ. Nhiều lúc cũng căng mình ra lo đầu ra, đầu vào, rồi cải tiến dây chuyền, mẫu mã sản phẩm ra sao để người tiêu dùng chấp nhận. Những lúc trái gió trở trời vết thương cũ tái phát cũng thấy nản nhưng lại nghĩ khi còn trong quân ngũ gặp bao khó khăn, vất vả và nguy hiểm mình còn vượt qua thì cớ gì chùn bước. Vậy là lại quyết tâm lao vào công việc, gượng qua nỗi đau thân thể.
Khi tặng sản phẩm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, cảm nhận của ông thế nào?
Mỗi lần làm từ thiện tôi thấy cuộc sống ý nghĩa hơn bởi trên đời này còn có nhiều người bất hạnh cần được quan tâm, chia sẻ và mình góp phần nhỏ bé để họ vơi bớt khó khăn, có cuộc sống tốt hơn. Đặc biệt là đối với những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công, nạn nhân chất độc da cam còn khó khăn càng được quan tâm nhiều hơn. Tôi nhớ có lần tặng chăn cho người nghèo, gia đình chính sách tại xã Biên Sơn, huyện Lục Ngạn, nhiều người nắm chặt tay tôi rơm rớm nước mắt cảm động nói rằng món quà thật quý bởi họ chưa bao giờ có chăn ấm để đắp trong mùa đông lạnh giá. Rồi có lần làm từ thiện tại huyện nghèo Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, gia đình cựu chiến binh mời bằng được tôi về nhà để ăn cơm, coi như lời cảm ơn. Về vùng quê nghèo mới thấy còn rất nhiều cựu binh, gia đình liệt sĩ, thương binh rất khó khăn cần được giúp đỡ. Điều đó khiến lương tâm day dứt và hứa với mình phải làm điều gì đó để giúp đỡ họ.
Không chỉ là bệnh binh gương mẫu, chủ nhiệm HTX giàu lòng nhân ái, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương?
Trước đây tôi từng tham gia Ban chấp hành Đảng ủy, HĐND thị trấn Thắng. Nhưng rồi công việc gia đình, sức khỏe không cho phép nên tôi không tham gia nữa, tập trung vào việc sản xuất kinh doanh của HTX. Từ năm 2008, tôi tham gia Hội DN nhỏ và vừa Hiệp Hòa và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội; tham gia và được bầu làm Hội trưởng Hội DN Cựu chiến binh Hiệp Hòa. Khi tham gia công tác xã hội, tôi thấy đây là điều kiện để vận động các DN và mọi người cùng làm từ thiện thuận lợi hơn. Bốn năm qua, tôi đã vận động các DN hội viên tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ quỹ vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam/điôxin… với số tiền gần 500 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 5 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách, người có công trị giá 50 triệu đồng; tặng 20 sổ tiết kiệm trị giá 40 triệu đồng…
Có ý kiến cho rằng hiện nay nhiều thương nhân làm từ thiện là để “đánh bóng” bản thân, tạo thương hiệu cho DN. Quan niệm của ông về vấn đề này?
Đúng là có những DN làm việc nghĩa, làm từ thiện nhưng không phải vì mục đích nghĩa cử cao đẹp, đạo lý “lá lành đùm lá rách” mà để đánh bóng tên DN. Tặng quà cho người nghèo hay đối tượng chính sách mà chỉ chú tâm xem có nhiều người biết điều đó hay không, có được các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin hay không. Với chúng tôi, điều quan trọng khi làm việc nghĩa là cảm nhận của những người nhận quà ra sao, món quà đó có ý nghĩa với họ như thế nào mà không cần biết HTX hay Hội DN sẽ được gì sau khi làm từ thiện. Mới đây trở lại vùng Tứ Sơn (Lục Nam), nơi tôi cùng đồng đội từng luyện quân ở đây thấy cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nên tôi có ý định sẽ làm dự án sản xuất giúp họ.
Những thành tích mà ông được ghi nhận?
Làm từ thiện không phải vì mục tiêu khen thưởng nhưng những hoạt động xã hội từ thiện của tôi cũng được cấp trên ghi nhận. Từ năm 2009 đến nay, Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam tặng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã ghi nhận tặng tôi nhiều bằng khen về các mặt hoạt động, trong đó có bằng khen về ủng hộ quỹ người nghèo, xây nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh…
Năm nay kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, hẳn ông có nhiều việc làm tri ân đồng đội?
Nhân dịp này, tôi đã vận động các DN trên địa bàn phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội DN Cựu chiến binh Hiệp Hòa, HTX Nuôi ong lấy mật Hiệp Hoà, Phòng khám mắt của ông Trần Đức Cử (Hiệp Hoà) tặng quà, khám mắt miễn phí cho gia đình chính sách trên địa bàn với tổng trị giá 92 triệu đồng. Năm nay tôi đã gần 60 tuổi, là bệnh binh nên chưa dám khẳng định sức khoẻ một vài năm tới sẽ ra sao. Chỉ có điều nếu còn sức khoẻ, còn làm việc thì tôi sẽ cố gắng làm nhiều việc nghĩa vì đồng đội!
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này và chúc ông luôn mạnh khoẻ để tiếp tục cống hiến cho gia đình, xã hội!.
(Nguồn: http://hiephoa.net/index.php?option=com_content&view=article&id=4038:a1004&catid=126:guongnguoitot&Itemid=619)