Hội thảo “Tương lai Châu Á” lần thứ hai (2nd Asia Future Conference) do Sekiguchi Global Research Association (SGRA) kết hợp với trường Đại học Udayana tổ chức đã diễn ra từ ngày 22/8 -24/8 tại Bali, Indonesia.
Hội thảo “Tương lai Châu Á” được tổ chức tại Bali, Indonesia với chủ đề “Sự Hoà hợp và Đa dạng” (Harmony and Diversity) nhấn mạnh sự cần thiết có một chiến lược phát triển hoà hợp giữa các quốc gia Châu Á vốn đa dạng về văn hoá, lịch sử, chính trị, kinh tế, trong đó ASEAN được xem như một mắt xích quan trọng đối với các mối quan hệ nhạy cảm trong khu vực. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 350 học giả trên toàn thế giới, với gần 80 bài nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, chính trị, khoa học được trình bày, và ba diễn đàn chính với chủ đề: “Vị trí mới của Đông Nam Á trong kỷ nguyên trỗi dậy của Trung Quốc”, “Kết nối nghệ thuật tại Châu Á đương đại”, và “Viễn thám các vấn đề môi trường”.
Tại Hội thảo, đại diện cho các đồng tác giả TS. Phạm Vũ Thắng, ThS. Nguyễn Thị Hương Huyền, Cao Tú Oanh – cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển – đã trình bày bài nghiên cứu về “Tác động của Doanh nghiệp xã hội tới nhóm người yếu thế tại Việt Nam – Hàm ý cho việc giải quyết các vấn đề xã hội tại các nước đang phát triển ở Châu Á”. Bài nghiên cứu đã nhận được sự quan tâm cũng như những ý kiến trao đổi, phản hồi tích cực từ phía các học giả. Đặc biệt, bài nghiên cứu đã dành được giải thưởng “Thuyết trình xuất sắc nhất” do Ban tổ chức Hội thảo trao tặng.
Đây là một niềm vinh dự và là một cơ hội rất lớn cho nhóm tác giả và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN được giao lưu học hỏi với các học giả trong lĩnh vực phát triển Doanh nghiệp xã hội (DNXH) trên thế giới. Trong tương lai, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS) hướng tới sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ DNXH hàng đầu tại Việt Nam.
Tú Oanh