Tài trợ gần 120 triệu cho “tiệm tóc không lời” Thành Nguyễn

Sau làn sóng dịch Covid-19 hồi tháng 4/2020, hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng khá nặng nề, đặc biệt là các doanh nghiệp xã hội. Thấu hiểu điều đó, chương trình Thriive Hà Nội (do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN quản lý) đã tập trung hướng đến giúp đỡ đối tượng là người lao động khuyết tật. Và địa chỉ quen thuộc là Salon tóc Thành Nguyễn, số 55 ngõ Văn Chương, Hà Nội với số tiền tài trợ là 5.000 USD (tương đương gần 120 triệu đồng).

Ban điều phối chương trình Thriive Hà Nội và các học viên tại Salon Thành Nguyễn

Liều thuốc phục hồi sau dịch

Salon tóc Thành Nguyễn vốn là doanh nghiệp Thriive 2014, tuy đã hoàn thành chương trình trả nợ nhưng giữa doanh nghiệp và Ban điều phối chương trình Thriive Hà Nội vẫn giữ mối liên lạc mật thiết.

Gần đây nhất, trong chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội “gồng mình” trong đợt dịch Covid-19 hồi tháng 4, Thriive Hoa Kỳ đã hỗ trợ 5.000USD cùng với nông sản sạch từ chính các doanh nghiệp Thriive cũ tới các doanh nghiệp có lao động chủ yếu là người khuyết tật và Salon Thành Nguyễn nằm trong số đó.

Buổi bàn giao thiết bị diễn ra trong không khí thân tình, ấm áp

Dịch qua đi, trở lại với cuộc sống “bình thường mới”, Salon tóc Thành Nguyễn đón một lớp học viên mới với số lượng đông hơn hẳn, do một số người khuyết tật đã bị mất việc sau dịch. Quy mô salon chưa phải lớn, tiềm lực tài chính, máy móc thiết bị không đủ để dạy nghề cho 10 học viên khuyết tật cùng lúc, chủ doanh nghiệp, anh Nguyễn Thái Thành đã liên hệ với Ban điều phối chương trình Thriive Hà Nội với mong muốn giúp đỡ và mở rộng doanh nghiệp.

Anh Thành chia sẻ: “Máy làm tóc, các thiết bị đi kèm ở tiệm mình có ít, không đủ để dạy nhiều học viên, mặt bằng cũng hẹp mà mình thì chưa đủ sức thuê thêm nơi khác. Tuy vậy, thấy các bạn cùng hoàn cảnh với mình (câm điếc bẩm sinh) mình không nỡ không nhận các bạn vào học, đào tạo nghề cho các bạn, vì thế mình đã liên hệ với Thriive Hà Nội và tiếp tục nhận được sự giúp đỡ”.

Khi Chương trình Thriive 2020 bắt đầu khởi động, trong thời điểm đại dịch Covid bùng phát mạnh mẽ, Thriive Hoa Kỳ và Thriive Hà Nội đã thống nhất lựa chọn các Doanh nghiệp Thriive cũ để hỗ trợ trong năm nay, vừa giúp doanh nghiệp hỗ trợ phục hồi và phát triển sau đại dịch, vừa đảm bảo tôn chỉ của Thriive: đào tạo nghề cho người yếu thế và hỗ trợ phát triển cộng đồng. Và sau thời gian bàn bạc, thẩm định hồ sơ, ngày 19/8, Ban điều phối chương trình Thriive Hà Nội đã đến bàn giao 1 máy làm tóc cùng mỹ phẩm cho Salon Thành Nguyễn, những máy móc thiết bị còn lại sẽ tiếp tục được bàn giao trong thời gian tới.

Các học viên chăm chỉ học nghề, nuôi mơ ước sau này mở được tiệm tóc riêng

Được biết, tổng số tiền lần này chương trình Thriive Hà Nội tài trợ cho Salon Thành Nguyễn là 5.000 USD, trong đó tiền được sử dụng để mua máy làm tóc, mua mỹ phẩm và thuê nhân viên marketing để quảng bá thương hiệu, thu hút khách hàng. Chương trình trả nợ sẽ kéo dài trong 1 năm, hình thức trả nợ chủ yếu là đào tạo nghề và hỗ trợ sinh hoạt cho các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thiết bị đầu tiên được bàn giao cho Salon tóc Thành Nguyễn

Tiếp tục sẻ chia yêu thương

Hiện tại, Salon tóc Thành Nguyễn đang dạy nghề cho 10 học viên, tất cả học viên đều là người câm điếc bẩm sinh, trong đó có một số hoàn cảnh rất khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Tính, 32 tuổi, quê Hòa Bình, trước đây từng làm thợ may, bán hàng thuê… sau dịch Covid-19 thì mất việc, anh Tính đã có vợ và chuẩn bị có con thứ 2, cả hai vợ chồng đều là người khuyết tật. Tìm đến Salon Thành Nguyễn, anh Tính hy vọng sẽ học được cái nghề, có công việc ổn định. Sau 2 tháng tới đây, ngoài việc anh Tính đã biết cắt tóc cơ bản, anh Tính còn được dạy thêm về ngôn ngữ ký hiệu, được giao lưu với nhiều bạn bè và sự giúp đỡ của nhiều tổ chức xã hội.

Anh Tính (áo xanh) mới vào học nghề được 2 tháng đã có thể cắt tóc cơ bản

Còn bạn Đường Thị Hương, 19 tuổi, quê Lạng Sơn thì tâm sự, Hương mới chỉ học hết cấp 2, chưa từng học qua ngôn ngữ ký hiệu, xuống Hà Nội một mình và từng làm nhiều nghề. Tuy vậy, nghề nào cũng chỉ được một thời gian và sau dịch Covid-19 hồi tháng 4 vừa rồi, Hương cũng mất việc. Tình cờ, Hương biết được Salon tóc Thành Nguyễn chuyên dạy nghề tóc miễn phí cho học viên khuyết tật, Hương đã tìm đến và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ vợ chồng anh Thành cũng như các học viên khóa trước. Hương chia sẻ sẽ cố gắng học nghề thật tốt, làm việc chăm chỉ để tích được một ít vốn và có thể sẽ về quê để mở một tiệm tóc nhỏ nhỏ, tạo kế sinh nhai cho bản thân.

Bạn Hương vốn là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, đến với Salon Thành Nguyễn, Hương hy vọng sẽ có được một cái nghề ổn định

Nhìn các học viên tại Salon tóc Thành Nguyễn chăm chỉ học nghề và chỉ giao tiếp với nhau bằng ký hiệu tại tiệm tóc không lời, TS. Phạm Vũ Thắng – Giám đốc Trung tâm Kinh tế Phát triển,Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN, Giám đốc chương trình Thriive Hà Nội không khỏi xúc động, nghẹn ngào.

Ông cho biết, chương trình Thriive Hà Nội không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp xã hội một lần mà có thể nhiều lần, miễn sao các doanh nghiệp đó tạo được nhiều công ăn việc làm cho người có hoàn cảnh khó khăn. Và cho dù Salon tóc Thành Nguyễn từng là doanh nghiệp Thriive 2014 nhưng suốt thời gian kết thúc trả nợ, Thriive Hà Nội vẫn luôn theo sát, hỗ trợ để giúp Thành Nguyễn tiếp tục phát triển và sẻ chia yêu thương.

TS. Phạm Vũ Thắng chúc các học viên nhanh chóng thành thạo nghề và ổn định công việc

Dự kiến trong thời gian tới, chương trình Thriive Hà Nội sẽ tiếp tục tài trợ máy móc, thiết bị cho Hợp tác xã Trái Tim Hồng tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, đây cũng là một doanh nghiệp có phần lớn người lao động là người khuyết tật.

“Thriive Hà Nội là chương trình hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN và Tổ chức Thriive (Hoa Kỳ) từ năm 2005 nhằm giúp doanh nghiệp phát triển, tạo thêm việc làm mới và tạo những tác động xã hội tích cực.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chương trình Thriive không giới hạn ngành nghề, lĩnh vực và có chung mục tiêu phát triển và giúp đỡ cộng đồng. Đến năm 2016, Thriive Hà Nội đã giúp đỡ 141 doanh nghiệp vay vốn của chương trình. Dự án đã giúp tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 1.634 lao động mới và hơn 120.000 người dân nghèo tại 21 tỉnh phía Bắc đã nhận được sản phẩm, dịch vụ từ thiện của chương trình. Đối tượng được hưởng lợi từ hoạt động trả nợ là những cộng đồng yếu thế như: người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người già, trẻ mồ côi…”

 

Văn Công