Ngày 16/11/2017, đại diện Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã tham dự hội thảo “Giảng đường xanh- hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường.
Hội thảo được Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức với sự tham dự của GS. Tae Yoon Park từ trường Đại học Yonsei, Hàn Quốc, đại biểu đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng Cục Môi trường, các nhà nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước. TS. Phạm Vũ Thắng và TS. Nguyễn Thuỳ Anh – giảng viên ĐHKT, đại diện nhóm nghiên cứu đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội 15.66 về xây dựng mô hình trường đại học xanh đã tham dự hội thảo.
Sau phát biểu khai mạc của PGS.TS. Phạm Quý Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên Môi trường, Hội thảo đã tập trung vào 7 bài tham luận về các lĩnh vực và nội dung của giảng đường xanh. Các tham luận xoay quanh nhiều chủ đề như: nghiên cứu tổng quan các bộ chỉ số đánh giá mô hình đại học xanh và bền vững trên thế giới của TS. Tống Thị Mỹ Thi, ĐH Tài nguyên Môi trường; đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của TS. Nguyễn Văn Phấn, Tổng cục Môi trường; Green Campus – The role of Universities của GS. Tae Yoon Park hay Thực hành giáo dục ngoại khoá cho sinh viên ĐH Tài nguyên Môi trường do ThS. Phạm Thị Hồng Phương trình bày.
Đại diện nhóm nghiên cứu của Trường ĐHKT – ĐHQGHN, TS. Nguyễn Thuỳ Anh đã trình bày kết quả nghiên cứu về Mô hình trường đại học xanh. Bài tham luận đưa ra kết quả nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội về các cấu phần mô hình trường đại học xanh. Tiếp đó, TS. Nguyễn Thuỳ Anh nhấn mạnh việc hiện thực hoá trường đại học xanh không chỉ tập trung vào phần cứng như toà nhà, vận hành, công nghệ mà cần phải đi từ phần mềm, đó là vấn đề nhận thức, đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoạt động cộng đồng, nhóm sinh viên. Việc hiện thực hoá trường đại học xanh cần có sự tiếp cận từ trên xuống như sự thay đổi nhận thức, tư duy của các nhà quản lý, lãnh đạo và tiếp cận từ dưới lên như thay đổi nhận thức của giảng viên, cán bộ, nhân viên và sinh viên trong trường đại học. Việc thiếu nguồn lực cũng chỉ là tạm thời, việc thay đổi nhận thức, có sự cam kết từ các bên là điều kiện cơ bản để thực hiện mô hình trường đại học xanh.
Tham luận của nhóm nghiên cứu ĐHKT đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ đại biểu tham dự hội thảo. Những ý kiến đóng góp, quan tâm từ các diễn giả tại hội thảo là cơ hội cho các nhà nghiên cứu về lĩnh vực giảng đường xanh kết nối, cùng nhau chia sẻ và thực hiện những ý tưởng nghiên cứu trong tương lai.
Phạm Vũ Thắng (CEDS)