Năm 2019, dự án Thriive Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển, Trường ĐH Kinh tế – ĐHQGHN tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ được điều hành bởi những người khuyết tật hoặc có phần lớn nhân công lao động là người khuyết tật. Điều này xuất phát từ những ấn tượng sâu sắc mà các doanh nghiệp đặc biệt này đem tới cho Ban điều phối chương trình. Trong hơn 20 hồ sơ nộp tham gia chương trình, Xe điện NKT Hòa Bình là một trong bốn doanh nghiệp được Thriive Hà Nội quyết định tài trợ, không chỉ bởi tiềm năng phát triển và khả năng tạo ra những tác động xã hội tích cực, mà còn bởi câu chuyện đặc biệt của anh Lê Huy Tích – chủ doanh nghiệp.
Anh Tích đã từng là một người đàn ông khỏe mạnh bình thường cho đến năm 2006, khi một tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến anh mất đi khả năng di chuyển trên đôi chân của mình. Nỗ lực vượt qua khó khăn và mặc cảm, cùng với xuất phát điểm là một người có chuyên môn về cơ khí, anh Tích đã thiết kế cho riêng mình một chiếc xe đầu kéo điện tích hợp với xe lăn của mình. Nhận thấy chiếc xe này thực sự có hiệu quả với chính bản thân và có thể hữu dụng với những người khuyết tật khác như mình, anh bắt đầu nghĩ đến việc mở xưởng kinh doanh sản phẩm này.
Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, số tiền 50 triệu đồng vay từ Ngân hàng chính sách Nhà nước không đủ, anh phải xoay sở thêm các khoản vay ngoài khác, thậm chí đã có lúc phải vay “nóng” từ các tổ chức tín dụng xã hội để xây dựng doanh nghiệp của riêng mình. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ đó, đến năm 2019, sản phẩm đầu kéo của doanh nghiệp với mức giá cạnh tranh cũng bắt đầu có thị trường trên một vài tỉnh khắp cả nước, dịch vụ về xe đạp điện phải dẹp bỏ vì doanh nghiệp tập trung nguồn lực và thời gian sản xuất xe đầu kéo – sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp.
Bản thân là người khuyết tật, lại điều hành một doanh nghiệp ở tỉnh Hòa Bình, nhưng anh Tích có tinh thần học hỏi cao và tích cực tham gia các sự kiện ở Hà Nội, bao gồm giải thưởng Én Xanh 2019, cuộc thi SDG Challenge 2019 và nằm trong top ba. SDG Challenge 2019 cũng chính là cơ duyên để anh Tích được một số cố vấn chương trình giới thiệu đến Chương trình Thriive Hà Nội 2019.
Với sự hỗ trợ của ban điều phối chương trình Thriive, doanh nghiệp đã vượt qua những khó khăn trong quá trình nộp hồ sơ dự án, như khoảng cách địa lý, khó khăn trong di chuyển, sự thiếu kinh nghiệm trong chuẩn bị hồ sơ cũng như khả năng đàm phán với các nhà cung cấp; để hoàn thành thủ tục giải ngân và đưa được máy móc mới vào đầu tháng 2 năm 2020.
Trong buổi giám sát máy móc, anh Tích hồ hởi chia sẻ với ban điều phối: “Máy móc của Thriive thực sự đã hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều. Năng suất của chúng tôi tăng gấp 3 đến 4 lần so với trước kia. Nếu ngày xưa hàn một khung vỏ xe mất từ 3 đến 4 ngày thì giờ chỉ mất có 1 ngày.
Trước khi có máy móc Thriive, chúng tôi phải sử dụng máy uốn kim loại thủ công, tốn rất nhiều công sức và thời gian mà độ chính xác của vật liệu không cao và chất lượng không đồng đều, giờ đây máy uốn tự động này cho phép chúng tôi hoàn thiện sản phẩm một cách chính xác tuyệt đối và tiết kiệm rất nhiều sức lao động, nhờ đó rút ngắn được tương đối thời gian và chi phí”. Những chia sẻ của anh Tích cùng với tiềm năng phát triển một thị trường cung cấp xe điện đầu kéo sản xuất tại Việt Nam, chúng tôi tin rằng doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng phát triển ổn định trong tương lai gần.
Một người bình thường khởi nghiệp và điều hành một doanh nghiệp đã là một điều khó khăn, anh Tích còn thể hiện một ý chí phi thường: “Mình mong muốn được công bằng với những người bình thường khác trong làm kinh doanh. Mình không muốn ỷ lại và coi bản thân là người khuyết tật mà đòi hỏi sự hỗ trợ và giúp đỡ từ những người xung quanh. Nếu không quyết tâm và sớm từ bỏ từ những khó khăn ban đầu như nguồn vốn, nhân lực thì đã không có doanh nghiệp Xe điện NKT ngày hôm nay”.
“Hoạt động từ năm 2005, chương trình Thriive Hà Nội đã giúp cho 161 doanh nghiệp vay vốn của chương trình với tổng số vốn vay là 1.597.145USD (hơn 38 tỷ VNĐ).
Chương trình Thriive Hà Nội giúp tạo thêm công ăn việc làm cho 1.717 lao động mới (1.115 lao động toàn thơi gian và 602 lao động bán thời gian). 127.708 người dân nghèo được hưởng lợi từ hoạt động trả nợ vốn vay của các doanh nghiệp theo Chương trình Thriive tại 26 tỉnh thành với 02 hình thức: 1) Trao tặng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp (như cây giống, quần áo ấm, bàn ghế…) ; 2) Các khóa đào tạo nghề (như khóa học may, đồ họa, cuốn giấy thủ công, nấu ăn…). Hơn 65.1% số doanh nghiệp được vay vốn tiếp tục các hoạt động từ thiện, giúp đỡ cộng đồng sau khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vốn vay.”
Phương Thảo